Trại hè – xu hướng giáo dục mới: Thêm cơ hội để trẻ trải nghiệm, rèn luyện bản thân

Không khó để tìm thấy hàng loạt các khóa học hè cho học sinh phổ thông được mở ra với đủ các hình thức như: học kỳ quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè thể thao, trại hè kỹ năng sống hoặc khóa tu trong chùa,… Mức học phí dao động từ 3-5 triệu đồng/khóa tùy thuộc vào địa điểm tổ chức và số lượng ngày tổ chức.

Từ cách thức hoạt động

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự xuất hiện của các trại hè dành cho trẻ em ở Việt Nam một phần phản ánh xu thế tất yếu của xã hội hiện đại khi cha mẹ có ít thời gian dành cho con, không gian sống giải trí của trẻ nhỏ ngày càng bó hẹp. Chính điều này khiến phụ huynh tìm đến một số chương trình trại hè với hy vọng con được trải nghiệm và học hỏi thêm các kỹ năng bổ ích ngoài sách vở.

Là đơn vị đầu tiên tổ chức trại hè trên địa bàn tỉnh, Trung tâm hoạt động và bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên (TP Sầm Sơn) định kỳ hàng năm tổ chức các chương trình trại hè. Sau 2 năm “ngủ đông” phòng chống dịch COVID-19, năm 2022, trại hè “Hành trang cho con” được đánh giá “trở lại và lợi hại hơn”. Trong 7 ngày ở trại hè, các em nhỏ từ 8 đến 15 tuổi hoàn toàn tách xa thế giới công nghệ, trở về với những trò chơi dân gian bổ ích, rèn luyện tinh thần đoàn kết, tập thể. Hơn hết là thái độ tự lập, tự giác, chủ động trong công việc của mình, thay đổi thói quen xấu và hướng tới thói quen tốt, như: thức dậy đúng giờ, tự vệ sinh cá nhân, tự giặt giũ và gấp quần áo… những kỹ năng tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết và quan trọng trên con đường trưởng thành của mỗi đứa trẻ.

Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Tâm Việt (TP Thanh Hóa), đơn vị được đánh giá cao trong tổ chức các trại hè, vừa kết thúc 2 lớp: Trại hè tự tin tự lập (7-13 tuổi) và Trại hè sinh tồn (10-16 tuổi). Cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên của trung tâm, chia sẻ: Để đa dạng và làm mới các trại hè, mỗi năm trung tâm lựa chọn một chủ đề cho mỗi trại hè, từ đó xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với từng chủ đề. Vì vậy, mỗi năm các trại hè tại trung tâm luôn thu hút nhiều em tham gia. Có những em đã tham gia trại hè lần 2, lần 3. Thông qua các trại hè, các em được vừa học vừa chơi, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm…

Với 30 thành viên, chủ yếu là học sinh THPT, Cánh Diều Xanh là trại hè giáo dục thiện nguyện được thành lập với mong muốn thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các em nhỏ trong độ tuổi 8-15 ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 2022 là mùa hoạt động thứ 3, các thành viên của Cánh Diều Xanh không chỉ đem đến những kiến thức xã hội thiết thực và mới mẻ cho các em, mà còn cả những niềm vui, những lời khuyên chân thành và những kỷ niệm đáng nhớ. Từ ngày 21 đến 25-7, trại hè Cánh Diều Xanh đã đến với hơn 90 em ở thị trấn Bến Sung (Như Thanh). Ba lớp học: Giáo dục giới tính, Kỹ năng sống và tiếng Anh, giúp các em tiếp cận thêm được kiến thức kỹ năng: rửa tay cơ bản, sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp, cách điều tiết cảm xúc; các bài học về xu hướng tính dục; những câu chuyện thú vị về cách con người được tạo ra… và những từ vựng tiếng Anh liên quan đến hoạt động thường ngày theo từng chủ đề.

Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi trại hè lại hướng tới việc trao cho các em những kỹ năng cơ bản khác nhau. Đánh giá về thành công của trại hè, anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên tỉnh chia sẻ: “Giáo dục kỹ năng sống cho thiếu niên hiện nay là rất cần thiết vì trên thực tế cùng với việc ép con học giỏi, điểm cao, đạt nhiều “danh hiệu” một cách thái quá là việc cha mẹ đang hạn chế, cách ly con tiếp xúc với bên ngoài, không được trải nghiệm cuộc sống, đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm và sống khép mình. Rõ ràng đây không chỉ là sự lệch lạc về cách giáo dục kỹ năng, mà trước hết là sự lệch lạc về giáo dục giá trị sống trong mỗi gia đình. Vì vậy, thiếu niên cần phải được giáo dục những kỹ năng cơ bản hướng tới hình thành thói quen tốt. Dạy kỹ năng không phải dạy cho các em những thứ cao siêu mà dạy các em biết xử lý các tình huống thực tế thường ngày và học làm người có ích, biết tự vệ sinh cá nhân; ngoài ra sự thấu hiểu về lòng biết ơn để chia sẻ với những người thân của chính mình…”.

Giúp trẻ trải nghiệm, rèn luyện bản thân

Qua nhiều lần đắn đo, mất rất nhiều thời gian tìm hiểu thông tin trên báo chí, rồi tham khảo ý kiến từ bạn bè, đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Vui (đường Nguyễn Tĩnh, phường Đông Hương) mới có thể đưa ra được quyết định đăng ký gửi gắm cậu con trai vừa học xong lớp 4 tham gia Trại hè tự tin tự lập 2022. Bởi đây là lần con xa nhà đầu tiên, nên chị lựa chọn trại hè 5 ngày 4 đêm, khoảng thời gian phù hợp để mẹ xa con, để con có cơ hội tiếp xúc với những người bạn mới, thầy cô giáo mới.

Hơn 10 năm trước, trại hè với tên gọi Học kỳ quân đội có mặt tại Thanh Hóa. Đây được coi là xu hướng giáo dục mới trong quá trình hội nhập. Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh và học sinh, những năm gần đây, có rất nhiều trại hè được mở ra từ các đơn vị nhà nước và tư nhân…

Trong khi nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, tính toán thì những đứa trẻ lại rất vui vẻ hòa nhập. Nhớ những ngày đầu tiên khi 144 “chiến binh nhí” từ 9-15 tuổi đến từ nhiều địa phương trong tỉnh bắt đầu nhập trại “Hành trang cho con” của Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu niên. Những người bạn ấy ban đầu chẳng thèm hò reo cổ vũ cho nhau, chẳng xung phong tham gia các trò chơi, chẳng biết tự làm những việc tưởng chừng như rất đỗi bình thường như giặt quần áo, gấp chăn màn; loay quay đâu cũng thấy lạ lạ… mà thấy nhớ cái điều hòa, cái tivi, rồi điện thoại, Ipad… Nhưng sau cái lạ lẫm của ngày đầu tiên, các bạn nhỏ đã làm quen với nhau, hòa nhập vào tập thể để cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Chỉ vài ngày, các bạn ấy như trở thành một con người khác. Vì thế, việc cấu trúc và trang bị kiến thức “vừa đủ” là điều cần thiết.

Bé Trung Hiếu (học sinh lớp 5) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên con được tham gia chương trình này. Con rất vui vì được tham gia rất nhiều hoạt động, được tự làm những việc cá nhân. Con cũng bớt nhút nhát mà mạnh dạn hơn trước nhiều”. Còn Hoàng Bách năm nay học lớp 6, đây là lần thứ 2 tham gia trại hè: “Con không bỡ ngỡ như lần đầu, nhưng lại hào hứng hơn, vì con hiểu được các hoạt động nhóm, con tự tin và trưởng thành”.

Một giờ học dã ngoại lên núi Trường Lệ của các em học sinh tham gia trại hè “Hành trang cho con”.

Lấy trẻ làm trung tâm, chính là mục tiêu của hầu hết các đơn vị tổ chức trại hè. Vừa kết thúc 2 khóa trại hè, và tiếp tục sẽ tổ chức thêm một khóa nữa vào tháng 8, chị Lê Thúy Phượng, trưởng nhóm Giáo dục xứ Thanh có địa chỉ tại xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa), cho biết: “Chúng tôi đưa ra các hoạt động như đi biển, thăm làng chài, vượt rừng, thu hoạch nông sản, hoa màu, làm vườn… không phải để các con lướt qua để nhìn các hoạt động, ngắm nhìn không gian, được tắm biển, thử các món ăn, thu hoạch lạc, hoa quả, trải qua cuộc sống xa gia đình… Chúng tôi muốn thông qua các hoạt động để các em cảm nhận và thu hoạch về những giá trị tốt đẹp từ con người, thế giới xung quanh và cảm nhận những điều tốt đẹp về chính mình để tiếp tục hướng tới, vun bồi. Và như vậy, sau 7 ngày tham gia, ngoài việc làm quen với nhiều hoạt động mới, con còn được hướng dẫn để biết và tìm hiểu về những góc nhìn trái với góc nhìn của mình, được hướng dẫn để tìm nhiều cách cư xử tốt hơn khi có mâu thuẫn, học cách chân thật khi phạm lỗi, học cách sống đoàn kết, tương trợ trong một tập thể…”.

Phải khẳng định, trại hè không phải là học kỳ thứ 3 để phụ huynh “rảnh tay” trong thời gian nghỉ hè, mà là nơi để con được rèn luyện các kỹ năng sống và có cơ hội để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, chia sẻ câu chuyện của bản thân và có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Bài và ảnh: Huyền Chi

Nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trai-he-xu-huong-giao-duc-moi-nbsp-them-co-hoi-de-tre-trai-nghiem-ren-luyen-ban-than/24620.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.