Chăm lo, hỗ trợ học sinh “phải có chiều sâu, bền vững”

“Có những em khó khăn bước đầu sau đó các em có thể sẽ thích nghi, khắc phục được nhưng có những em lại cần thêm sự quan tâm lâu dài. Hơn ai hết, thầy cô phải tiếp tục thực hiện câu chuyện này. Không phải chỉ 1 chiếc máy tính trao đến là các em đã có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục học”.

Thời gian qua, ngành giáo dục TP.HCM đã có nhiều chăm lo cho học sinh khó khăn

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh về công tác chăm lo cho học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch COVID-19 trong Hội nghị Tổng kết Công tác chăm lo cho các bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm học 2021-2022 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 27-9.

Lãnh đạo Sở khẳng định, công tác chăm lo, quan tâm các em cần phải có chiều sâu, bền vững. Việc quan tâm để các em vượt khó, sớm bắt nhịp vào việc học với đầy đủ phương tiện, sách giáo khoa, được chăm sóc, chia sẻ từ bạn bè, thầy cô mới chỉ là bước đầu.

Không để học sinh nào phải nghỉ học, bỏ học vì dịch COVID-19

Đây là quyết tâm của tất cả các địa phương, đơn vị trong công tác chăm lo cho học sinh khó khăn trong học mới trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Theo rà soát, Q.8 có 162 học sinh có cha, mẹ mất do COVID-19. Thống kê thêm, toàn quận có 53 học sinh tại 6 trường THPT và 20 em ở Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn quận có cha, mẹ mất do dịch.

Với quyết tâm không để một học sinh nào vì dịch bệnh mà phải nghỉ học, bỏ học, Q.8 đã có nhiều chính sách, vận động chăm lo cho học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với UBMT TQ Việt Nam Q.8 chăm lo hỗ trợ lâu dài về cả vật chất, tinh thần cho học sinh mồ côi, học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch.

Trong khi đó, là địa phương “chịu nhiều tổn thất phải nói là lớn nhất thành phố khi đến hôm nay 10 phường trên toàn Q.Bình Tân chưa có một phường nào xanh, vẫn đang là vùng cam”, ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) cho biết, toàn quận có 186 học sinh mồ côi do dịch COVID-19; 411 giáo viên là F0.

So với thời điểm đầu năm học, bằng nhiều nỗ lực, quận còn 989 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến (giảm hơn 3.000 học sinh). “Với đối tượng này, các nhà trường chuyển tài liệu cho các em, song song vận động kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ thiết bị”, ông Tuyên nói và cho biết quận sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường phối hợp với ban đại diện phụ huynh học sinh, mạnh thường quân chủ động chăm lo cho học sinh khó khăn, học sinh mồ côi.

Do ảnh hưởng của dịch, TP.Thủ Đức có 846 học sinh và 199 giáo viên là F0, 50 học sinh mất cha, mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ. Thông tin về công tác chăm lo cho đội ngũ, học sinh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức) cho biết, ngành đã phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ TP.Thủ Đức trao tặng 376 phần quà đến giáo, viên nhân khó khăn. Hỗ trợ 2.153 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động với hơn 4,4 tỷ đồng từ ngân sách. Vận động hỗ trợ lực lượng làm công tác phòng chống dịch, học sinh mồ côi do dịch COVID-19. Tới đây, sẽ thực hiện chi trả hỗ trợ cho 2.500 lao động chịu ảnh hưởng của dịch theo NQ68.

Phong trào “ATM- Thiết bị điện tử” được ngành triển khai đã huy động trao 1.625 thiết bị điện tử cho học sinh khó khăn chưa có điều kiện tham gia học trực tuyến. Nhiều hoạt động, sân chơi trực tuyến giúp nâng cao sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong thời gian học online ở nhà đã được tổ chức.

“Toàn ngành có 93% giáo viên đã được tiêm vắc xin, số còn lại ở quê và sẽ được tiêm đầy đủ khi trở lại thành phố. Thời gian tới, ngành sẽ tập huấn chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh chịu ảnh hưởng của dịch. Ngành đã có công văn đề nghị ĐH Sư Phạm TP.HCM hỗ trợ “vắc xin” tinh thần cho đội ngũ giáo viên” bà Hiền nói.

Chia sẻ về những khó khăn trong năm học mới của Cụm chuyên môn 1, cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) cho hay, khó khăn đầu tiên là nhiều học sinh F1, F0 không thể tham gia học trực tuyến đầy đủ. Nhiều em mất người thân nên ảnh hưởng tâm lý; nhiều em thiếu thiết bị học trực tuyến…

Cạnh đó, nhiều giáo viên là F0, mất người thân, sức khoẻ, tâm lý ảnh hưởng; Nhiều giáo viên vừa giảng dạy vừa quán xuyến gia đình.

“Giải pháp được các trường Cụm 1 đưa ra là tổ chức các chương trình vận động, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, học bổng khuyến học, SGK, tổ chức dạy miễn phí cho học sinh. Riêng học sinh có người thân mất vì COVID, các trường xây dựng nhiều hoạt động san sẻ bớt gánh nặng kinh tế, tổn thất tinh thần cho các em”.

Ngoài ra, theo cô Tâm, các trường cũng chỉ đạo GVCN thiết kế hoạt động giúp học sinh san sẻ, quan tâm, hỗ trợ trong học tập, nhất là với học sinh chịu thiệt thòi trong dịch bệnh, tổ chức thêm các buổi đối thoại, các sân chơi lành mạnh trang bị kỹ năng sống cho học sinh…

“Giáo viên, nhân viên F0, các trường hỗ trợ các gói thuốc, liên hệ với bác sĩ theo dõi sức khoẻ cho giáo viên, xây dựng nhóm tương trợ thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ, động viên giáo viên vượt qua giai đoạn khó khăn”, cô Tâm nói thêm.

Quan tâm hỗ trợ học sinh phải “có chiều sâu, bền vững”

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo, triển khai chủ động của địa phương, nhà trường, chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, thích ứng với dịch COVID-19, giúp học sinh tiếp cận với kiến thức, chăm lo kịp thời cho học sinh khó khăn ngay từ đầu năm học.

Để thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa tổ chức dạy học, ông yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành, sẵn sàng tinh thần “mở cửa trường học” khi được phép.

Trong đó, lưu ý các tiêu chí an toàn trường học; Phải có kế hoạch, phương án ứng phó với dịch, phương án diễn tập, hỗ trợ kịp thời học sinh trước các tình huống phát sinh liên quan đến dịch; Thường xuyên cập nhật, bám sát tình hình thực tế tại đơn vị theo mỗi thời điểm, để có những chính sách, kiến nghị đề xuất cho đội ngũ, học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng lưu ý các nhà trường phải nắm danh sách giáo viên, học sinh tình nguyện tham gia phòng chống dịch, từ đó dành sự quan tâm sâu sắc, những chế độ, chia sẻ kịp thời đến đối tượng này.

“Ngành giáo dục mong muốn động viên, nhân rộng những gương điển hình, những hành động đẹp của thầy cô, học sinh trong công tác phòng chống dịch, tạo ra tính lan tỏa trong toàn ngành, góp sức vào hiệu quả phòng chống dịch trên địa bàn thành phố”.

Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Sở khẳng định, công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ là cực kỳ quan trọng. Ông yêu cầu công tác hỗ trợ giáo viên không được cào bằng, cần linh hoạt, nhân văn giải quyết khó khăn cho từng trường hợp, làm sao để đội ngũ an tâm công tác, tiếp tục hỗ trợ phòng chống dịch.

Với các kiến nghị về nhân viên hợp đồng tại trường học, lãnh đạo Sở cho biết sẽ nghiên cứu thêm NQ 09 của HĐND TP để hỗ trợ theo đúng chính sách của nhà nước. Đồng thời lưu ý các nhà trường thời điểm này cần cân nhắc trong công tác kêu gọi phụ huynh khi chăm lo cho đội ngũ, học sinh, tránh tạo áp lực cho phụ huynh, gây dư luận không tốt…

Đặc biệt, lãnh đạo Sở nhấn mạnh, các đơn vị cần quan tâm một cách có chiều sâu, bền vững với học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch COVID-19. Việc quan tâm để các em vượt khó, sớm bắt nhịp vào việc học với đầy đủ phương tiện, sách giáo khoa, được chăm sóc, chia sẻ từ bạn bè, thầy cô mới chỉ là bước đầu, chưa phải bền vững.

“Có những em khó khăn bước đầu sau đó các em có thể sẽ thích nghi, khắc phục được nhưng có những em lại cần thêm sự quan tâm lâu dài. Hơn ai hết, thầy cô phải tiếp tục thực hiện câu chuyện này. Không phải chỉ 1 chiếc máy tính trao đến là các em đã có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục học”, ông Dũng nêu rõ.

Với học sinh mồ côi, Phó giám đốc Dương Trí Dũng cho rằng, các em đã gãy 1 trong 3 trục “trường học- gia đình- phụ huynh” nên sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập, cuộc sống. “Thời gian tới nhà trường phải nắm nguyện vọng thực tế, khó khăn cụ thể của từng học sinh để có sự chăm sóc, hỗ trợ đúng mức, kịp thời. Học sinh chịu tổn thương về tâm lý trong dịch thì tổ tư vấn tâm lý từng cơ sở phải kịp thời hỗ trợ”, ông Dũng yêu cầu.

Tác giả: Yến Hoa
Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.